Kpop và những tranh cãi quanh định nghĩa "Nhóm nhạc quốc dân" - tintuckpop.net
Trang chủ   /   Sao   /   Hậu trường

Thứ tư - 06 / 04 / 2016

Kpop và những tranh cãi quanh định nghĩa "Nhóm nhạc quốc dân"

Vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh những tiêu chí và ứng cử viên cho danh xưng "nhóm nhạc quốc dân" nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những danh hiệu cao quý nhất tại Kpop mà bất kì nhóm nhạc nào cũng muốn có được.

Văn hóa Hàn Quốc vốn rất tôn trọng những gì thuộc về bản sắc dân tộc. Chính vì thế, hàng loạt những danh hiệu "quốc dân" ra đời là món quà cao quý dành cho những tên tuổi nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao,.... Chúng ta hẳn không còn xa lạ gì với những danh hiệu đã gắn liền với những cái tên đình đám như Kim Yuna - Bảo bối quốc dân, Yoo Jaesuk - MC quốc dân, Suzy - Tình đầu quốc dân, Yoo Seungho - Em trai quốc dân, Lee Seunggi - Con rể quốc dân,...

Trong địa hạt Kpop cũng vậy, danh hiệu "Nhóm nhạc quốc dân" được trao cho những nhóm nhạc tên tuổi và có sức ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc. Khi 1 nhóm nhạc được trao cho chiếc "vương miện" "Nhóm nam quốc dân" hay "Nhóm nữ quốc dân", điều đó có nghĩa là công chúng đã thừa nhận quyền lực và tầm ảnh hưởng của nhóm trong lĩnh vực giải trí. Một nhóm nhạc có thể trở nên nổi tiếng bởi lượng fan hùng hậu hay được công chúng đánh giá cao nhưng vẫn không thể đạt được đẳng cấp nhóm nhạc quốc dân khi thiếu những yếu tố giúp cho nhóm trở nên thân thuộc với hầu hết người dân Hàn Quốc.

Thế hệ fan Kpop hôm nay có thể ít biết đến rằng, danh hiệu "Nhóm nhạc quốc dân" (nói chung) đầu tiên (và có thể là duy nhất) đối với công chúng Hàn chính là g.o.d - nhóm nhạc huyền thoại debut năm 1999 dưới trướng JYP Entertainment. Nếu xét trên mặt bằng chung các nhóm nhạc thế hệ đầu tiên, g.o.d không là những người bắt đầu trào lưu "thần tượng" như H.O.T, không có những màn trình diễn mạnh mẽ ấn tượng như Sechskies, không có những vũ đạo gây sốt như Shinhwa, nhưng chính g.o.d chứ không phải nhóm nào khác được trao tặng danh hiệu này. 

g.o.d ban đầu khi mới ra mắt hoàn toàn "chìm nghỉm" giữa lứa tân binh cùng thời. Thứ nhất, bởi họ không có ngoại hình lung linh như H.O.T, Shinhwa hay Sechskies (mà sau này nhóm vẫn hay nói đùa rằng chính bởi ngoại hình "quốc dân" ấy mới giúp họ trở thành "Nhóm nhạc quốc dân"). Thứ hai, giữa thời điểm công chúng "điên cuồng" với những vũ đạo sôi động trên sân khấu, g.o.d lại chọn con đường khác biệt, hát những bản nhạc nhẹ nhàng với vũ đạo đơn giản. 

g.o.d

Nhưng thời điểm ấy, chẳng mấy ai ngờ được, chính thứ âm nhạc ấy lại tạo nên một huyền thoại về "Nhóm nhạc quốc dân". Album thứ 3 và thứ 4 với 2 bản hit LiesRoad đều đoạt danh thu hơn triệu bản - điều mà cho đến nay chỉ có vài nghệ sĩ Hàn Quốc làm được. Những bài hát của g.o.d vẫn được người Hàn nghe đi nghe lại đến nay, bởi nó có giá trị ca ngợi tình cảm gia đình, cuộc sống con người. Chỉ với âm nhạc, g.o.d có tất cả mọi thứ!

Kể từ khi g.o.d tái hợp vào năm 2014 đến nay, báo chí Hàn Quốc vẫn gọi nhóm là "Nhóm nhạc quốc dân", đủ để thấy độ ảnh hưởng của họ trong lịch sử văn hóa Hàn. Chính vì cái bóng quá lớn của g.o.d nên về sau, truyền thông Hàn thường phân chia ra "Nhóm nữ quốc dân" và "Nhóm nam quốc dân" để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các idolgroup thế hệ sau này. Nhưng những tranh cãi xung quanh việc đâu mới là gương mặt thích hợp nhất cho danh hiệu này vẫn luôn diễn ra sôi động.

Xét trên nhiều phương diện, nhiều người đồng tình rằng 2 nhóm nhạc quốc dân được nhiều người biết đến là SNSDBig Bang. Có thể nhận ra rằng điểm chung ở họ là 1 ca khúc được cả nước yêu thích không phải là điều mà nhóm nhạc quốc dân sẽ tạo ra. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục sản xuất những sản phẩm âm nhạc nhận được đánh giá cao của người hâm mộ và củng cố vị trí của mình trong làng nhạc Hàn Quốc.

SNSD từng đạt được rất nhiều thành tích đáng nể với ca khúc hit Gee, thậm chí có thể cho rằng đây chính là một trong những bài hát có phong cách dễ thương được yêu thích nhất Kpop. Ca khúc thứ 2 Tell Me Your Wish đã xây dựng một hình ảnh riêng vô cùng mới mẻ cho SNSD. Trang phục thủy thủ và vũ đạo đá chân nổi tiếng đã khiến cả Hàn Quốc nhớ tới 9 cô gái. Sau đó, các ca khúc tiếp theo của nhóm như Oh, Hoot… đã giúp các thành viên nhận được vô số giải thưởng và lời mời đóng quảng cáo.

SNSD

Big Bang cũng thế, kể từ sau bản hit đình đám Lies, nhóm liên tục cho ra mắt những hit khác như Haru Haru, Tonight, Fantastic Baby,..., đưa tên tuổi Big Bang phủ sóng khắp mọi mặt báo và cũng giúp nhóm đoạt rất nhiều các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Đến mức, năm 2015, Big Bang trở lại sau 3 năm vắng bóng và quảng bá theo một cách "không tưởng" - tung cùng lúc 2 bài hát vào mỗi tháng, và kéo dài trong vòng 4 tháng. Ấy vậy mà cả 8 bài hát này đều lần lượt thống trị hàng loạt bảng xếp hạng nhạc số trong nửa cuối 2015. Nhiều fan Kpop cho rằng, chỉ có Big Bang mới đủ sức làm việc này, bởi họ chính là Big Bang.

Cộng đồng fan lớn, đa dạng chính là yếu tố cần thiết để xác định một nhóm nhạc quốc dân. Tuy nhiên, không có bất kì một quốc gia nào chỉ bao gồm các cô gái tuổi teen và thần tượng KPOP buộc phải đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả khác nhau để nhận được sự đánh giá cao của công chúng. Có thể coi Big Bang chính là một ví dụ điển hình cho thấy thần tượng thu hút được cả fan nam, fan nữ, thiếu niên và người lớn. 5 chàng trai đã nhận được rất nhiều thành công với các ca khúc đình đám như trước khi có vô số biến động xảy ra vào năm 2011. Tuy nhiên sau đó, Big Bang đã trở lại và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ qua album mới Alive and Still Alive vào năm 2012.

Thế nhưng, vẫn có một bộ phận không ít người không đồng tình với danh hiệu "quốc dân" này dành cho SNSDBig Bang, dẫu thành tích của cả 2 nhóm là không phải bàn cãi. Vấn đề của cả 2, theo rất nhiều người, nằm ở những scandal xung quanh đời tư và nhân cách. "Nhóm nữ quốc dân" hay "Nhóm nam quốc dân", nghĩa là đều có sức ảnh hưởng lớn đến số đông công chúng, chính vì thế họ phải là tấm gương sáng cả trong nghệ thuật lẫn đời tư.

Nhìn vào g.o.d, trong khoảng thời gian hoạt động ngắn ngủi của họ thời kì đầu, nhóm gần như không có bất kì tranh cãi nào về đời tư. Thậm chí, sự việc ầm ĩ nhất trong thời gian này của họ, là trưởng nhóm Joon Park phải cúi đầu xin lỗi trước truyền thông và người hâm mộ vì... lỡ lộ tin hẹn hò. Tất nhiên, không thể đem mọi hệ quy chiếu thời đó áp đặt lên các nhóm nhạc hiện nay, song rõ ràng nếu xét trên phương diện scandal, SNSDBig Bang đã vướng quá nhiều tranh cãi nghiêm trọng.

Big Bang dẫu đạt được rất nhiều thành tựu trong âm nhạc, nhưng họ vẫn bị một phần không nhỏ cộng đồng mạng xem là "Nhóm nhạc tội phạm" bởi những scandal ầm ĩ trong quá khứ, thậm chí dính líu đến pháp luật. GD hút cần sa, Daesung lái xe gây tai nạn chết người, Seungri bị lên án về chuyện tình ái, TOP mặc chiếc áo có biểu tượng một thời của đế quốc Nhật,.... Những vấn đề nghiêm trọng này cùng cách xử lý sai lầm của YG - im lặng như không có gì, khiến nhiều người tỏ ra bất bình. 

Big Bang

SNSD tuy không dính dáng đến các vấn đề về pháp luật, nhưng nhóm cũng từng một thời lao đao với những scandal nhân cách. Ngay từ khi mới debut, SNSD đã không ít lần "vạ miệng" tự rước họa vào thân, với những thái độ được cho là "không thể chấp nhận" trước các tiền bối. Taeyeon so sánh nhóm nhạc huyền thoại Shinhwa với "rác rưởi" dù cho thành viên Shinhwa vẫn đang có mặt ở đó, Tiffany cho rằng nhóm họ không giống với Suju vì "SNSD là một", vấn đề phân biệt chủng tộc của Taeyeon, hay gần đây nhất là Jessica bị buộc rời khỏi nhóm, khiến công chúng ngỡ ngàng nghi ngại rằng tất cả những gì SNSD hô hào về tình bạn thân thiết bấy lâu chỉ là "diễn". Trầm trọng nhất, năm 2008, SNSD phải nhận "Black Ocean" lớn nhất trong lịch sử Kpop.

Với tất cả những tranh cãi nghiêm trọng ấy, nhiều người tỏ ra ngờ vực rằng, liệu SNSDBig Bang có thật sự xứng đáng để được trao danh hiệu "Nhóm nữ quốc dân" và "Nhóm nam quốc dân" hay không

Mặt khác, ít ai nhớ rằng, danh hiệu "Nhóm nữ quốc dân" chính thức được báo chí phong tặng từ lâu là dành cho Wonder Girls, khi họ làm điên đảo cả Đại Hàn Dân Quốc với loạt 3 bản hit liên tiếp: Tell Me - So Hot - Nobody. Khi tên tuổi đang trên đỉnh vinh quang, được cả nước yêu mến, nhóm lại quyết định tạm hoãn các hoạt động tại Hàn để tiến hành quảng bá ở Mỹ. Tuy nhiên, quãng thời gian vắng bóng này đã khiến cho tên tuổi Wonder Girls không còn nổi bật như trước tại chính quê nhà.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận những nỗ lực của các cô gái sau khi trở về Hàn nhưng trong khi Wonder Girls Mỹ tiến thì cũng có những nhóm nhạc tân binh ra mắt. Trong số đó không thể không nhắc tới 2NE1 với ca khúc đình đám Fire được phát hành vào năm 2009. Sau đó, các cô gái Sistar là những nghệ sĩ tiếp theo gia nhập vào làng nhạc Kpop. 

Khi Wonder Girls mất đi 2 thành viên chủ chốt, Sunye lấy chồng và Sohee theo nghiệp diễn xuất, người ta đã cho rằng số phận của một "Nhóm nữ quốc dân" một thời đến đây là chấm hết. Nhưng bất ngờ thay, năm 2015, nhóm trở lại với đội hình 4 người sau 3 năm vắng bóng (Sunmi quay lại nhóm sau một thời gian hoạt động solo), và ca khúc của họ đã all-kill toàn bộ các bảng xếp hạng tại Hàn Quốc chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi phát hành.

Wonder Girls

Đến lúc này, nhiều người gật gù cho rằng Wonder Girls vẫn xứng đáng với danh hiệu "Nhóm nữ quốc dân", bởi nếu so với SNSD hay Big Bang, Wonder Girls hoàn toàn không dính phải bất kì scandal đời tư hay nhân cách nào. Trong khi số khác cho rằng danh hiệu này thực sự là một dấu hỏi lớn với họ khi mà thành tựu họ đạt được đã không còn như xưa, dẫu không thể phủ nhận Wonder Girls vẫn là một trong những nhóm nhạc nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Kpop.

Khoảng 2013-2014, khi Apink nhận được sự chú ý của đông đảo fan Kpop khi “càn quét” một loạt các bảng xếp hạng với những bản hit như No No No, Mr Chu,..., một số báo mạng Hàn Quốc thậm chí còn ca ngợi Apink là "Nhóm nữ quốc dân thế hệ mới" dù không ít người cảm thấy biệt danh này được troa tặng quá vội vàng.

So với thành tích mà SNSD hay những nhóm nhạc đàn chị như S.E.SFin.K.L từng đạt được, rõ ràng Apink vẫn còn thua kém một khoảng rất xa. Dẫu Apink được xem là một trong những nhóm nhạc hiếm hoi "sạch" về đời tư, nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để họ được thừa nhận bằng một danh hiệu cao quý mà nhiều nhóm nhạc lừng lẫy còn chưa "chạm" tới được.

Apink

Về phía các nhóm nam, một trong những nhóm nhạc trẻ nhận được thành công sớm trong làng nhạc Kpop chính là EXO. Vào năm 2013, nhóm nhạc này đã đạt được rất nhiều giải thưởng và thậm chí nhóm còn bán được 1 lượng album cao kỉ lục. Sau 2 ca khúc WolfGrowl, EXO đã trở thành một cái tên quen thuộc với nhiều fan Kpop. Để có được những kết quả đáng nể trên, SM Entertainment đã đầu tư không ít vào nhóm nhạc trẻ này. Với YG và JYP, thế hệ thần tượng tiếp theo được mong đợi sẽ làm nên kì tích chính là các nhóm nhạc Winner, iKONGOT7

Thế nhưng, với những gì đã diễn ra, người hâm mộ cho rằng khó để những nhóm nhạc này vươn lên ngang tầm với Big Bang hay DBSK, chứ chưa bàn đến đến danh hiệu "quốc dân" đích thực như g.o.d. EXO chỉ trong vòng 1 năm từ 2014 đến 2015 đã chứng kiến 3 cuộc "đào tẩu" của 3 thành viên người Trung Quốc, chưa kể đến scandal tình cảm của Baekhyun - Taeyeon (SNSD) và gần đây nhất là Kai - Krystal (f(x)). Winner sau màn debut quá sức thành công, thì lần trở lại mới nhất vào đầu năm 2016 hoàn toàn trôi đi trong nhạt nhòa. GOT7 nhận được nhiều tình cảm trên thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa đủ ấn tượng với thị trường trong nước. iKON ngay từ khi mới ra mắt đã vướng phải vô số tranh cãi về vấn đề "diss" tiền bối. Chính vì thế, danh hiệu "quốc dân" cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn chưa tìm được lời giải đáp.

EXO

Với mỗi một thế hệ thần tượng, các tiêu chí và tiêu chuẩn để đánh giá một nhóm nhạc quốc dân thường phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau. Thế hệ thần tượng đầu tiên với những tên tuổi lớn như H.O.T , Sechkies, Shinhwa, g.o.d ở nam hay S.E.S, Fin.K.L, Baby V.O.X ở nữ, đã phải đối mặt với một thị trường vô cùng khác biệt so với thời điểm hiện tại. Điều này cũng đúng với những thần tượng ở thế hệ thứ 2 như DBSK, Big Bang, Wonder Girls SNSD.

Với nhịp độ cao, sự thay đổi liên tục trong chính thị trường âm nhạc, các nhóm nhạc thường ra mắt cùng những ca khúc không quá mới lạ. Và rất nhiều thần tượng đình đám vẫn đang đứng trong những vùng an toàn với danh tiếng của họ, nhưng nếu không có các ca khúc hit được cả nước yêu mến thì các nhóm nhạc thần tượng sẽ rất khó để vươn lên vị trí cao hơn.

Vì vậy, để trở thành một nhóm nhạc quốc dân, cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như nguồn lực từ công ty chủ quản, thời gian hay thậm chí là cả may mắn, khi kể cả những tân binh trong top 3 công ty lớn JYP, YG, SM cũng không thể thành công ngay từ ngày đầu tiên ra mắt.

GOT7

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhóm nhạc thần tượng, có thể khẳng định rằng việc đạt được danh hiệu nhóm nhạc quốc dân đã trở nên vô cùng khó khăn. Trong vài năm tới, khi ngành công nghiệp K-pop dần dần bão hòa, những nhóm nhạc may mắn sống sót và trụ lại được sẽ có một cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt, dù có phải là nhóm nhạc quốc dân hay không. Ngoài ra, với làn sóng Hallyu đang mở rộng trên toàn thế giới, có thể các thần tượng sẽ hướng đến danh hiệu “Nhóm nhạc quốc tế” với sức ảnh hưởng toàn cầu chứ không chỉ là “Nhóm nhạc quốc dân” đơn thuần như trước.



#scandal #kpop #Big bang #Wonder Girls #Apink #SNSD #god #EXO #WINNER #IKON #Shinhwa #quốc dân #tranh cãi #GOT7 #g.o.d #Nhóm nhạc quốc dân #Nhóm nam quốc dân #Nhóm nữ quốc dân #định nghĩa #Girl's Generation (SNSD)
Bạn có nghĩ trình độ tiếng Trung của Lisa (BLACKPINK) gây cản trở Thanh Xuân Có Bạn 2?
  • Có, Lisa gây cản trở tiết tấu chương trình

    Có, Lisa gây cản trở tiết tấu chương trình

    0%
  • Không. Cần nên thông cảm với Lisa

    Không. Cần nên thông cảm với Lisa

    0%
Đóng góp ý kiến của bạn
Cập nhật tin tức
Kpop hằng ngày