Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop (Kỳ 1) - tintuckpop.net
Trang chủ   /   Review

Thứ năm - 14 / 04 / 2016

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop (Kỳ 1)

Lightstick là một trong những nét độc đáo nhất trong văn hóa fandom tại Hàn Quốc. Thế nhưng, cùng với sự ra đời của quá nhiều nhóm nhạc tại Kpop, cuộc chiến tranh giành màu lightstick đã và đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Những ai yêu mến văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc hiện nay, đặc biệt là làn sóng Hallyu, chắc chắn không thể không biết văn hóa lightstick. Việc mang lightstick có màu sắc tượng trưng cho nhóm nhạc mình yêu thích đến xem họ biểu diễn và cổ vũ đã trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.

Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ lịch sử ra đời của nét đẹp văn hóa này, kể cả chính những người đang hoạt động trong môi trường nghệ thuật tại Hàn Quốc. Chính vì thế mà trong vòng vài năm trở lại đây, cùng với sự ra đời của hàng loạt những nhóm nhạc mới, Kpop đã chứng kiến những cuộc chiến không khoan nhượng giữa các fandom trong việc sở hữu những màu sắc đại diện cho chính thần tượng của mình.

KỲ 1: LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA VĂN HÓA MÀU BÓNG/ MÀU LIGHTSTICK

Tại Hàn Quốc, việc sử dụng bóng/saber khi đi đến các buổi biểu diễn âm nhạc bắt đầu thịnh hành từ khoảng giữa những năm 90, với sự ra đời của nhóm nhạc H.O.T. Ra mắt vào năm 1996 dưới trướng SM, H.O.T - với tư cách là huyền thoại lớn nhất của giới idol, không chỉ mở ra một kỉ nguyên của nền âm nhạc Hàn Quốc với văn hóa thần tượng - nhân tố chính của làn sóng Hallyu hiện nay, mà họ cũng chính là quy chuẩn đầu tiên cho việc hình thành các boyband sau này. Không những vậy, H.O.T cũng là nhóm nhạc khởi nguồn của rất nhiều trào lưu, tạo nên nét đặc sắc riêng chỉ có ở Kpop.

Một trong số những trào lưu được tạo ra từ H.O.T chính là tên fandom và màu sắc fandom. Màu fandom không chỉ đơn thuần là một màu sắc bình thường tron bảng màu, đó còn là "thương hiệu" của một nhóm nhạc Kpop, giúp nhận diện chính họ và fandom của họ giữa rất nhiều những nghệ sĩ cùng hoạt động. Với H.O.T, màu chính thức của họ là màu trắng. Việc sử dụng màu fandom này không chỉ đơn thuần trên lý thuyết, mà từ H.O.T, họ đã phủ toàn bộ sắc trắng lên những sản phẩm dành cho fan như bóng trắng, saber trắng, áo mưa trắng, áo trắng, mũ trắng...

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 1

"Biển trắng" của H.O.T

Và nổi bật nhất trong số các sản phẩm này, từ thời ấy chính là bóng bay (tiền thân của lighstick sau này). Định nghĩa "Colour Ocean" (biển màu) cũng xuất hiện từ đây mà xuất hiện và trở thành nét đặc sắc của riêng các nhóm nhạc thần tượng. Với các nhóm nhạc cùng thời, đồng nghĩa với việc sở hữu những màu sắc khác nhau, người hâm mộ của mỗi nhóm sẽ mang các vật dụng có màu sắc đại diện của thần tượng họ đến các buổi biểu diễn, cả chung và riêng. Biển màu của người hâm mộ không chỉ là cách để fan ủng hộ thần tượng của mình, mà cũng là cách idol đứng trên sân khấu có thể nhận diện chính fan của họ.

Sau này, khi bóng trở nên bất tiện, cùng với sự xuất hiện của những phát minh hiện đại hơn, thì lightstick xuất hiện từ những năm 2002 để thay thế và phổ biến cho đến hôm nay. Ban đầu lightstick chỉ có dạng que hình trụ dài khoảng 15 -20cm, nhưng sau này, các nghệ sĩ trực thuộc YG như Se7en bắt đầu biến tấu với số 7, Big Bang với hình vương miện,.... Nhưng ở đây, chúng ta chưa bàn đến văn hóa lightstick sau này, chỉ bàn đến vấn đề màu bóng/biển màu, là tiền đề cho sự hình thành và phát triển lightstick về sau.

Sau cuộc đổ bộ đình đám của H.O.T 1 năm, Sechskies ra đời dưới trướng DSP vào năm 1997 và cũng học tập đàn anh sử dụng màu vàng cho fandom của mình. H.O.T và Sechskies một thời là cặp đối thủ "không đội trời chung", chính vì thế, sự "so găng" giữa 2 biển màu trắng và vàng một thời cũng trở nên khá căng thẳng. Khi H.O.T và Sechskies cùng xuất hiện trong bất kì chương trình nào, người hâm mộ của họ cũng cố gắng cạnh tranh lẫn nhau về số lượng bóng trắng và bóng vàng. Đây cũng chính là tiền đề cho sự xuất hiện của "Fan War" - những cuộc chiến căng thẳng giữa fan hâm mộ các nhóm nhạc khác nhau sau này.

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 2

"Biển vàng" của Sechskies

Năm 1997, phiên bản nữ của H.O.T là S.E.S được SM cho ra mắt công chúng. Nhóm nhạc nữ đầu tiên của SM này ngay lập tức thành công rực rỡ từ khi mới debut và trở thành huyền thoại của các nhóm nhạc nữ idol cho đến hiện nay. Cũng giống với đàn anh cùng nhà là H.O.T, S.E.S ngay sau khi debut cũng có màu bóng đại diện, đó chính là màu tím.

 Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 3

"Biển tím" của S.E.S

Debut sau S.E.S 1 năm, Fin.K.L nhanh chóng nổi lên như một đối thủ đáng gớm của 3 cô gái nhà SM. Họ là một trong những nhóm nữ đã đi vào huyền thoại của Kpop, cũng là nhóm nữ đầu tiên của DSP - công ty quản lý của Sechskies, là tiền đề cho công ty này tạo ra những nhóm nữ thành công về sau như Kara, Rainbow,... Màu bóng đại diện được Fin.K.L chọn cho mình là màu đỏ. Nhắc đến màu đỏ, nhiều fan Kpop hiện nay sẽ nghĩ ngay đến DBSK. Nhưng thực chất, nhóm đầu tiên sử dụng màu đỏ làm màu đại diện chính là Fin.K.L.

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 5

"Biển đỏ" của Fin.KL

Năm 1998, Shinhwa - nhóm nhạc thần tượng nam thứ 2 của SM ra đời. Sau này, trong một show truyền hình, trưởng nhóm Mun Heejun của H.O.T từng tiết lộ, vốn dĩ H.O.T chỉ là sản phẩm thử nghiệm cho nhóm nhạc tiếp theo sau này là Shinhwa. Thế nhưng, vì H.O.T trở nên đình đám một cách bất ngờ, khiến Shinhwa sau này phải chịu nhiều áp lực, ngay từ khi còn là thực tập sinh.

Album đầu tay của Shinhwa không đạt được thành công như mong đợi, và nhóm đứng trước nguy cơ tan rã ngay sau khi ra mắt chỉ 1 năm. Nhưng album thứ 2 của họ đã thành công rực rỡ và mở màn cho chặng đường chinh phục Kpop của một nhóm nhạc huyền thoại tiếp theo của SM sau H.O.T. Cho đến nay, Shinhwa vẫn là nhóm nhạc idol thế hệ 1 duy nhất hoạt động xuyên suốt từ thời của họ cho đến tận ngày hôm nay, tính đến năm 2016 đã là 18 năm. Màu sắc của Shinhwa, từ khi debut cho đến nay vẫn là màu cam.

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 6

"Biển cam" của Shinhwa

Sau khi Shinhwa ra mắt 1 năm, năm 1999, JYP - một trong những "ông lớn" của làng giải trí Hàn hiện nay, chính thức cho trình làng nhóm nhạc nam đầu tiên của mình là g.o.d. g.o.d sau này trờ thành đối thủ lớn nhất của Shinhwa, và cuộc chiến giữa 2 fandom này một thời cũng căng thẳng không kém H.O.T và Shinhwa. Nhóm tan rã vào năm 2005 nhưng đã trở lại vào năm 2014 và hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động, song hành cùng đối thủ một thời của mình là Shinhwa. Màu bóng chính thức của g.o.d cho đến nay vẫn là xanh da trời.

Sự ra đời của g.o.d cũng chính thức mở ra một thời kỳ sôi nổi nhất của lứa thần tượng thế hệ đầu tiên, với khoảng 10 nhóm nhạc đình đám, cả nam lẫn nữ, thay phiên nhau tung hoành trên các sân khấu âm nhạc lúc bấy giờ. Sau g.o.d, Kpop thời kì ấy không chứng kiến thêm sự xuất hiện của một nhóm nhạc đình đám nào khác. 

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 7

"Biển xanh da trời" của g.o.d

Từ đó trở đi, hàng loạt idol ra mắt và tiếp thu trào lưu từ các tiền bối để tạo nên màu sắc fandom cực kì phong phú và sinh động, đặc biệt là từ các biển bóng trong concert solo và concert chung của các nghệ sĩ như Dream Concert. Màu bóng là thứ duy nhất giúp thể hiện chính xác phần nào sức mạnh fandom và cũng là thứ duy nhất giúp idol nhận diện vị trí của fan mình giữa một rừng người hâm mộ của các nghệ sĩ trong các concert chung.

Chính vì vậy, trong văn hóa Kpop, màu bóng không đơn giản chỉ là màu sắc trên bảng màu. Nó là thứ đi theo mọi chặng đường phát triển của nghệ sĩ, kể cả khi tăm tối nhất lẫn khi thăng hoa nhất; là chiếc phù hiệu mà người hâm mộ luôn tự hào khoác lên để nói cho mọi người biết mình là ai; là kí ức và những gì quan trọng nhất mà bất cứ một nghệ sĩ và người hâm mộ nào cũng muốn bảo vệ. Nói một cách đơn giản, màu sắc chính là sự gắn kết thiêng liêng giữa thần tượng và người hâm mộ, là thứ mà nhiều năm về sau nữa, kể cả khi họ đã trưởng thành và già nua, nó vẫn là một phần quan trọng trong kí ức một thời thanh xuân mà họ luôn nâng niu.

Khi thế hệ thần tượng thứ 1 bắt đầu thoái trào, sự ra đời của những lứa thần tượng về sau đã đưa đến những thay đổi khác trong vấn đề màu sắc đại diện. Thế nhưng, sự hiểu biết mơ hồ của không ít người hâm mộ, hay chính một số nghệ sĩ sau này về lịch sử văn hóa màu bóng của các tiền bối, vô tình đã dẫn đến những cuộc chiến màu sắc căng thẳng về sau.

(Còn tiếp...)

Munnie



Theo bạn, Snow Cam nào của thần tượng khiến bạn muốn "rớt tim" ra ngoài?
  • ChanYeol của EXO

    ChanYeol của EXO

    0%
  • V (BTS)

    V (BTS)

    0%
  • Baro của B1A4

    Baro của B1A4

    0%
  • Ong SeungWoo của Wanna One

    Ong SeungWoo của Wanna One

    0%
  • SeulGi của Red Velvet

    SeulGi của Red Velvet

    0%
  • YoungJun của HIGH4

    YoungJun của HIGH4

    0%
  • Lee JaeHoon

    Lee JaeHoon

    0%
Đóng góp ý kiến của bạn
Cập nhật tin tức
Kpop hằng ngày