Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop (Kỳ 2) - tintuckpop.net
Trang chủ   /   Review

Thứ sáu - 15 / 04 / 2016

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop (Kỳ 2)

Sau khi thế hệ thần tượng đầu tiên thoái trào, lứa thần tượng thế hệ thứ 2 xuất hiện cũng mở ra một kỉ nguyên mới cho văn hóa lightstick.

KỲ 2: THẾ HỆ THẦN TƯỢNG THỨ 2 RA ĐỜI VÀ SỰ THAY ĐỔI TRONG VĂN HÓA MÀU BÓNG

Ở kỳ 1, chúng ta đã điểm qua lịch sử hình thành cùng những nét đặc trưng của văn hóa màu bóng trong Kpop, khởi nguồn từ thế hệ thần tượng đầu tiên với những tên tuổi đình đám như H.O.T, Sechskies, Shinhwa, g.o.d, S.E.S, Fin.K.L.

Sau một thời gian làm mưa làm gió, thế hệ thần tượng thứ nhất bắt đầu bước vào giai đoạn suy tàn với sự tan rã của H.O.T vào năm 2001. Lần lượt sau đó, các nhóm đình đám cũng dần nói lời tạm biệt với Kpop, chỉ còn Shinhwa bền bỉ với đường đua. Gần 3 năm sau khi H.O.T tan rã, cũng là 1 năm sau ngày Shinhwa chính thức "dứt áo ra đi" khỏi SM, một nhóm nhạc mới được SM cho ra mắt, chính thức mở đầu thế hệ thần tượng thứ 2 - DBSK.

Với việc 2 huyền thoại H.O.TShinhwa lần lượt "biến mất" khỏi SM, cùng với sự thất bại của Black Beat, đế chế này đứng trước cuộc khủng hoảng to lớn đầu tiên. Ngay khi ấy, SM đã tập hợp các thành viên xuất sắc nhất trong số tất cả thực tập sinh lúc bấy giờ và hình thành nên DBSK. DBSK ra mắt năm 2003 với 5 thành viên, fandom chính thức có tên là Cassiopeia, fandom chính thức tại Nhật là Bigeast và màu sắc chính thức là Pearl Red - đỏ ngọc.

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 1

Sự ra đời của DBSK chính thức mở ra thời kì mới cho Kpop với sự xuất hiện của các nhóm nhạc thần tượng thế hệ 2

Đến đây, cần phải giải thích thêm về sự thay đổi trong văn hóa màu đại diện từ thế hệ đầu tiên cho đến các thế hệ sau này. Đối với lứa thần tượng đầu tiên, việc có khá ít các nhóm nhạc xuất hiện khi ấy (chỉ khoảng 10 nhóm thực sự nổi bật) khiến cho họ không hề bận tâm về việc trùng màu. Chính vì thế, mỗi nhóm thần tượng thế hệ 1 hấu như đều ôm trọn cả một gam màu nhất định. Ví dụ như, màu của H.O.T là trắng, thì cho dù là trắng đục, trắng ngà, hay trắng sữa,..., tất cả đều thuộc về H.O.T.

Tương tự với Shinhwa, cho dù họ đã hoạt động vắt dài qua 3 thế hệ idol, nhưng họ vẫn sinh ra trong lứa thần tượng đầu tiên, chính vì thế, lẽ dĩ nhiên, họ đã "ôm trọn" gam màu cam suốt 18 năm nay. Từ cam đậm, cam nhạt, da cam,..., Shinhwa và người hâm mộ của mình đều đã sử dụng qua trong các vật dụng, màu bóng, lightstick,... trong suốt quá trình hoạt động.

Phải giải thích rõ điều này bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn màu đại diện của các nhóm nhạc thần tượng thế hệ sau. Văn hóa Hàn Quốc đặc biệt đề cao mối quan hệ trên - dưới, chính vì thế, việc các lứa hậu bối ra mắt sau luôn phải tránh dùng màu trùng với tiền bối là chuyện tất yếu.

Chính điều này, cùng với sự bùng nổ các nhóm nhạc thần tượng sau này đã dẫn đến một sự thay đổi mới trong văn hóa màu đại diện sau này, từ một gam màu chung, các nhóm về sau đã chọn cho mình một gam màu chi tiết hơn như xanh ngọc, tím xanh, hay thậm chí là màu rượu vang,...

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 2

Bảng màu đại diện sơ bộ các nhóm nhạc tại Kpop: Có thể thấy, 3 nhóm đại diện của thế hệ đầu tiên là H.O.T, Shinhwa và g.o.d đều "ôm trọn" gam màu chung mà họ sử dụng

Phải nói rõ, nghệ sĩ tồn tại được hay không, lớn mạnh được hay không là nhờ sức mạnh của fan. Thực tế, một nghệ sĩ lớn có thể chọn bất kì màu nào họ muốn chỉ cần họ đủ sức chống lại sự căm ghét từ các fandom khác trùng màu. Nhưng Kpop là nơi chỉ cần hậu bối không dùng kính ngữ với tiền đối, không cúi chào cũng có thể bị chỉ trích thậm tệ là thiếu lễ độ, thậm chí bị chì chiết đến mức giải nghệ, thì việc tránh đụng chạm những tiền bối, đặc biệt là tiền bối lớn gần như là một luật ngầm mà ai cũng phải hiểu.

Khi một nhóm tiền bối tan rã, lẽ dĩ nhiên, không cần ai bảo ai, thần tượng và các fan Kpop đều hiểu rằng, các hậu bối nghiễm nhiên "được phép" chia nhau sử dụng màu đại diện của nhóm đó khi ấy. Chính vì thế mà hiện nay, có thể thấy rất nhiều nhóm nhạc lứa sau sử dụng màu vốn dĩ thuộc về tiền bối thế hệ đầu, như Big Bang, T-ara dùng màu vàng (vốn thuộc về Sechskies).

Trường hợp của Shinhwa, họ là một trong những huyền thoại lớn nhất của Kpop, và vẫn còn đang hoạt động, nên dù có ai thích màu cam đến đâu, những lứa hậu bối về sau cũng "biết thân biết phận" không "đụng" vào màu cam. H.O.T là trường hợp duy nhất trước nay chưa ai dám xài lại màu bóng trắng dù đã tan rã, ngoài JTL tách từ H.O.T. Đơn giản, bởi họ là huyền thoại lớn nhất của ngành công nghiệp thần tượng, là những người sáng tạo ra trào lưu màu đại diện này. 

Lightstick và những cuộc chiến màu sắc trong lịch sử Kpop 3

H.O.T đã tan rã 15 năm, nhưng kể từ đó đến nay chưa có bất kì nhóm nào "dám" sử dụng màu trắng

Nói cách khác, màu sắc thì không của riêng ai nhưng trong Kpop, nó đại diện cho cả nghệ sĩ và fandom của họ. Khác với Fin.K.L và Sechskies đã đồng ý cho hậu bối sử dụng màu của mình, H.O.T và Shinhwa "bảo thủ" hơn, họ không đồng ý chia sẻ màu với bất kì ai. Rất nhiều fan trẻ sau này đã chê cười cho rằng họ ấu trĩ và trẻ con, nhưng họ chính là người đầu tiên phát minh ra trào lưu này, và họ nắm trong tay "quyền lực ngầm" để gìn giữ màu sắc của riêng họ. 

Rõ ràng, có 1 số phạm trù không phải chỉ vì không còn hiện hữu trong hiện tại mà bạn có quyền giẫm đạp lên sự tồn tại trong quá khứ của nó. Không thể vì H.O.T đã tan rã, hay thời của Shinhwa chỉ là trong quá khứ, mà các nhóm nhạc sau này được pháp sử dụng tự do màu trắng và màu cam, vì rõ ràng sau 20 năm trời H.O.T hay Shinhwa vẫn là huyền thoại trong nền âm nhạc. Họ đã đặt những viên gạch đầu tiên, xây nền móng cho ngành công nghiệp idol và là những cái tên không bao giờ bị lãng quên trong lòng người yêu âm nhạc.

Chính vì "luật ngầm" dẫu khắt khe nhưng hợp tình hợp lý này, mà các nhóm càng ra mắt sau, lại càng phải "vắt óc" suy nghĩ màu đại diện khác lạ, để tránh trùng lặp với các tiền bối. Thế cho nên, có một sự thật dở khóc dở cười là, mỗi khi có một nhóm nhạc mới ra mắt, người hâm mộ của nhóm và của các nhóm tiền bối lại hồi hộp chờ xem có bị... trùng màu hay không.

Dẫu đã có một quy luật "không ai bảo ai nhưng ai cũng đều biết" được đặt ra, nhưng không biết vô tình hay cố ý mà kể từ khi Kpop bắt đầu chuyển giao thế hệ với sự xuất hiện của DBSK, ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã và đang chứng kiến rất nhiều cuộc "chiến tranh" giữa các fandom vì câu chuyện muôn thuở: trùng màu đại diện. Hậu quả, lịch sử Kpop đã ghi nhận vô số tranh cãi nảy lửa nổ ra khi các fandom bảo vệ màu đại diện của mình.

(Còn tiếp...)

Munnie



Theo bạn, Snow Cam nào của thần tượng khiến bạn muốn "rớt tim" ra ngoài?
  • ChanYeol của EXO

    ChanYeol của EXO

    0%
  • V (BTS)

    V (BTS)

    0%
  • Baro của B1A4

    Baro của B1A4

    0%
  • Ong SeungWoo của Wanna One

    Ong SeungWoo của Wanna One

    0%
  • SeulGi của Red Velvet

    SeulGi của Red Velvet

    0%
  • YoungJun của HIGH4

    YoungJun của HIGH4

    0%
  • Lee JaeHoon

    Lee JaeHoon

    0%
Đóng góp ý kiến của bạn
Cập nhật tin tức
Kpop hằng ngày