Trước khi có YG hay JYP, SM chỉ phải đối mặt với một đối thủ duy nhất là DSP - tintuckpop.net
Trang chủ   /   Sao   /   Hậu trường

Thứ năm - 04 / 08 / 2016

Trước khi có YG hay JYP, SM chỉ phải đối mặt với một đối thủ duy nhất là DSP

Trong quá khứ, Kpop gần như là sân chơi riêng của 2 ông lớn SM và DSP!

Những "cuộc chiến" giữa các nhóm nhạc thần tượng đầu tiên đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỉ trước, khi thế hệ idol thứ nhất làm dậy sóng cả làng giải trí với những sự ganh đua quyết liệt giữa các fandom để bảo vệ nghệ sĩ mình yêu mến. Và "tâm bão" của những sóng gió đó lại nằm ở hai công ty giải trí lớn nhất thời bấy giờ: SM Entertainment và DSP Media.

Các nhóm nhạc đình đám một thời của SM và DSP

Hai công ty này suốt bao nhiêu năm nay luôn có một mối quan hệ rất thú vị trong cái cách họ phát triển và cho ra đời những nhóm nhạc thần tượng: SM luôn được xem là một người anh lớn, còn DSP như một cậu em trai. Tuy nhiên, chính mối quan hệ này đã giúp Kpop định hình hướng đi như ngày hôm nay.

H.O.T. (SM) vs Sechskies (DSP) - Sự dẫn đầu của các nhóm nhạc nam

H.O.TSechskies chính là hai nhóm nhạc mở đầu và định hướng cho cuộc cạnh tranh giữa SM và DSP vào cuối những năm 1990. Bằng cách cho ra đời và quảng bá nhóm nhạc thần tượng đầu tiên của Kpop - H.O.T, Lee Soo Man của SM Entertainment đã mãi mãi thay đổi hướng đi của K-pop. Chiến lược của CEO Lee Ho Young của DSP Media (Daesung Enterprise khi đó) là "phản pháo" lại bằng cách tạo ra một nhóm nhạc giống hệt như vậy, nhưng Sechskies lại đi theo một phong cách hoàn toàn riêng biệt.

Ngày nay, các fandom đối thủ đã trở thành một phần không thể thiếu của nền âm nhạc Hàn Quốc, nhưng ít ai nhớ rằng, chính H.O.TSechskies là những người đã tạo ra một nền văn hóa fandom mới, với điểm đặc trưng nhất chính là màu bóng bay cố định (H.O.T là trắng còn Sechskies là vàng) và những tiếng hô vang đồng bộ (tiền thân của fan chant ngày nay). Phần lớn các hoạt động này vẫn còn duy trì cho đến hôm nay, dẫu cũng đã có ít nhiều biến đổi.

Với những gì đã làm được, H.O.T và Sechskies đã định hình cách quảng bá của một nhóm nhạc thần tượng lúc này: phô bày cá tính riêng của mỗi thành viên, nhưng vẫn luôn là một phần trung thành của nhóm. Đó chính là con đường mà hầu hết các công ty ngày hôm nay vẫn đi theo để phát triển các idolgroup.

S.E.S (SM) vs Fin.K.L (DSP) - Cuộc nổi dậy của các nhóm nhạc nữ

Dù cho có bao nhiêu girlgroup ra đời trong lịch sử Kpop đi chăng nữa, S.E.SFin.K.L vẫn là hai tượng đài huyền thoại của nền âm nhạc này. S.E.S ra mắt vào năm 1997 với single "I'm Your Girl" và trở thành những ngôi sao mới chỉ sau một đêm. Sự dễ thương, hình ảnh trong sáng của nhóm một thời từng gây "đảo điên" khắp mọi nơi với tư cách là nhóm nhạc thần tượng nữ đầu tiên của Kpop.

Fin.K.L ra mắt vào năm 1998 nhưng họ không hề thành công ngay từ đầu như mong đợi. Nhưng tất cả đã thay đổi với single thứ hai "To My Boyfriend", giúp Fin.K.L trở thành một trong những nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất lịch sử Kpop.

Cũng giống như hai nhóm nam kể trên, sự cạnh tranh giữa các nhóm nữ tồn tại chủ yếu là ở người hâm mộ. Cả S.E.S và Fin.K.L đều có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Họ trở thành biểu tượng khi rất đông người hâm mộ bắt chước theo gu thời trang, kiểu tóc,... của các cô gái thời bấy giờ. Họ được quảng bá như những "sản phẩm" thật sự trên thị trường. Các cô gái cũng được giới thiệu đến khán giả với tất cả mọi khả năng ở nhiều lĩnh vực. Đồng thời, công ty cũng khuyến khích họ thể hiện nhiều mặt khác nhau trong cá tính của mỗi người, những điều khiến người hâm mộ "phát cuồng" và phải bám víu vào đó. Nghe có vẻ quen đúng không? SM và DSP vẫn đi đúng con đường đó cho đến hôm nay.

DBSK (SM) vs SS501 (DSP) - Bước tiến toàn cầu

SM và DSP mang theo tất cả những gì họ học được từ việc tạo ra H.O.T và Sechskies và nâng cấp thành một phiên bản toàn cầu khi cho ra đời các nhóm nhạc nam tiếp theo - DBSK SS501. Cả hai nhóm đều thành công tại Hàn Quốc (DBSK nhỉnh hơn SS501) nhưng sự cạnh tranh chỉ thực sự bắt đầu ở thị trường Nhật Bản.

Vốn dĩ, thị trường âm nhạc Nhật không hề dễ dàng để các nghệ sĩ Hàn Quốc "thâm nhập". Thế nhưng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của BoA và làn sóng Hallyu cùng những bộ phim đình đám như "Chuyện tình mùa đông", "Nấc thang lên thiên đường",... cánh cửa tiến vào Nhật Bản bắt đầu rộng mở hơn cho các nghệ sĩ Hàn.

Vào thời điểm đó, có thể xem DBSK và SS501 chính là hai nhóm nhạc đã "đạp tung cửa" và mở rộng con đường tiến thẳng vào thị trường này cho nhiều nhóm nhạc thần tượng hiện nay. Nói một cách công bằng, SS501 đã có những thành công vang dội, nhưng DBSK lại ngày càng đình đám hơn.

Trong thời hoàng kim của mình, DBSK trở thành nhóm nhạc Kpop sở hữu fandom đông đảo nhất thế giới, và đạt được những thành tựu dài hơi hơn rất nhiều so với đối thủ ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Dẫu cho sau này đã có rất nhiều chuyện xảy đến, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của họ đối với Kpop hôm nay.

SNSD (SM) vs Kara (DSP) - Những người dẫn đầu làn sóng Hallyu

Khi SNSD lần đầu tiên ra mắt vào năm 2007, phần lớn những cuộc nói chuyện về họ chỉ xoay quanh con số 9 (thành viên), hay việc là "phiên bản nữ" của đàn anh cùng công ty Super Junior. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra lúc đó, rằng liệu concept đông thành viên có thích hợp với một nhóm nhạc nữ hay không và người hâm mộ có thể phân biệt được hết các thành viên hay không. Và SNSD đã chứng minh điều đó! Nhận được sự hậu thuẫn đầy đủ của SM, nhưng mãi cho đến năm 2009, bản hit "Gee" mới đưa nhóm trở thành ngôi sao quốc tế như ngày hôm nay.

Cùng năm đó, DSP giới thiệu một girlgroup khác - Kara. Không phải một nhóm đông thành viên, nhưng âm nhạc tươi mới của họ đã nhanh chóng được mọi người yêu mến. Đặc biệt, Kara cho đến hôm nay vẫn được xem là nhóm nhạc nữ thành công nhất tại Nhật Bản. Vào đầu những năm 2010, DBSK là nhóm nhạc nước ngoài duy nhất có thể cạnh tranh với doanh số album của nhóm tại Nhật Bản. Các cô gái đã phá vỡ nhiều kỷ lục của các girlgroup ngoại quốc tại Nhật, đồng thời cũng giành được nhiều giải thưởng danh giá. Thật không may, mọi thứ bắt đầu đi xuống khi các thành viên chủ chốt rời nhóm, để rồi dẫn đến kết cuộc tan rã như hôm nay.

EXO (SM) vs A-JAX (DSP) - Thế hệ mới ra đời và CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG THUỘC VỀ SM

Năm 2012, Kpop chứng kiến sự ra đời của rất nhiều nhóm nhạc mới cùng với concept mạnh mẽ của họ. Sự thành công của EXO là điều mà ai cũng thấy được vào hôm nay, dù cho màn ra mắt của nhóm gây khá nhiều thất vọng.

Ngược lại, A-JAX từng rất được kỳ vọng với single "2MYX" và "Hot Game", thế nhưng, lâu dần nhóm lại hoàn toàn "chìm nghỉm" giữa một rừng các nhóm nam cùng thời. Vấn đề của nhóm lại ngày càng nghiêm trọng hơn khi các thành viên lần lượt rời đi nhưng cái tên A-JAX lại hoàn toàn xa lạ với mọi người.

Với chiến thắng vang dội của EXO, cuộc đối đầu giữa hai công ty đã đi đến hồi kết. Sau một cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, SM Entertainment rõ ràng đang đứng ở một vị thế cao hơn hẳn, trong khi DSP ngày nay thậm chí còn đi sau rất nhiều công ty nhỏ khác.

Kết

Nhiều người cho rằng tất cả những gì DSP làm từ trước đến nay chỉ là bắt chước SM. Nhưng sự thật không phải vậy. Đúng là SM Entertainment luôn được xem là nơi tạo ra rất nhiều xu hướng cho Kpop! Đúng là DSP Media đã rất nhiều lần cho ra đời các nhóm nhạc tương tự để cạnh tranh với SM! Thế nhưng, những việc này đã đem đến một động thái tích cực cho cả hai công ty lẫn ngành công nghiệp âm nhạc.

Chiến lược của DSP, nói đúng hơn, là cho ra đời những nhóm có khả năng "hạ bệ" SM và nó cũng buộc mỗi công ty phải ngày càng tiến bộ hơn trong các khâu sản xuất âm nhạc, biên đạo điệu nhảy, đón đầu xu hướng thời trang,.... Và nhìn chung, nó giúp cho mỗi công ty, mỗi nhóm nhạc, và thậm chí có thể là mỗi thành viên trở nên hoàn thiện hơn. 

Munnie lược dịch



Bạn nghĩ tân binh Kpop nào sẽ làm nên chuyện trong năm 2019?
  • TXT

    TXT

    0%
  • ITZY

    ITZY

    0%
  • YG Treasure Box Groups

    YG Treasure Box Groups

    0%
  • VERIVERY

    VERIVERY

    0%
  • Cherry Bullet

    Cherry Bullet

    0%
  • ONEUS

    ONEUS

    0%
Đóng góp ý kiến của bạn
Cập nhật tin tức
Kpop hằng ngày